Việc cấp phép kinh
doanh vận chuyển hàng không được nới lỏng một số quy định, trong đó có việc
dùng báo cáo tài chính đã được kiểm toán để xác nhận vốn thay cho văn bản bảo
lãnh của ngân hàng, theo Nghị định 92/2016 NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày
1-7.
Việc cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không được nới lỏng một số quy định |
So với Nghị định số 30/2013 được ban hành trước đó, Nghị định
92 có một số thay đổi, trong đó đáng chú ý là việc xác nhận vốn của doanh nghiệp.
Nếu như trước đây Nghị định 30 quy định “đối với hãng hàng
không đang khai thác, có thể sử dụng bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận
vốn phù hợp” thì Nghị định 92 chấp nhận báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Cụ thể, Điều 4 khoản 1, điểm c của Nghị định 92 quy định “đối
với doanh nghiệp đang kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh
vực hàng không dân dụng có nhu cầu bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện
khác quy định tại nghị định này có thể sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm
toán chấp nhận toàn phần của 2 năm liền trước với thời điểm đề nghị hoặc văn bản
bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn”.
Trước đó, hồi tháng 3-2016, dư luận từng xôn xao về việc Bộ
GTVT trình Chính phủ đề nghị cấp giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho
Công ty cổ phần hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines), trong
đó có báo cáo Chính phủ cho phép Vietstar Airlines sử dụng báo cáo tài chính đã
được kiểm toán thay thế văn bản xác nhận vốn.
Điều đáng nói là khi đó vốn điều lệ của Vietstar Airlines mới
chỉ có 625,7 tỉ đồng, còn thiếu 74,3 tỉ
đồng mới đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 30/2013, song vẫn được đề nghị
trình cấp phép.
Sau đó, Chính phủ đã từ chối đề nghị xin chấp thuận cấp phép
cho Vietstar Airlines vì theo quy định tại Nghị định 30/2013, doanh nghiệp phải
có văn bản bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn.
Việc Bộ GTVT trình Chính phủ nới lỏng một số điều kiện kinh
doanh vận tải hàng không được dư luận cho là rất khó hiểu, vì đây là một ngành nghề
kinh doanh cần sự kiểm soát chặt chẽ hơn các ngành nghề kinh doanh vận tải
khác.
Ngoài ra, Nghị định 92 cũng quy định rõ hơn đối với doanh
nghiệp hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng đủ hai điều kiện. Thứ
nhất là, bên nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ. Thứ hai, phải có ít nhất
một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.
Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì phần vốn góp nước
ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
Còn đối với doanh nghiệp vận tải hàng không mà không có vốn đầu
tư nước ngoài nếu muốn chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thì chỉ
được chuyển nhượng sau 2 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh vận tải
hàng không.
(TBKTSG Online)
Mời xem thêm:
>>> Lịch Tết 2017